Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng đất ở TP HCM
Giai đoạn cuối vào năm 2020, TP sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên phạm vi toàn thành phố.
UBND Tp.HCM cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn toàn thành phố từ nay đến năm 2020.
Một cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư tại Gò Vấp. Ảnh: Văn Nam
Theo kế hoạch được UBND TP ban hành mới đây, trong năm nay sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã.
Sang năm 2018, TP sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, tập trung tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại 3-5 khu công nghiệp, cụm công nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Năm 2019, TP sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai. Trọng tâm là việc cho thuê đất, giao đất, nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tại các cơ sở này.
Giai đoạn cuối vào năm 2020, TP sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên phạm vi toàn thành phố.
UBND Tp.HCM cho biết, trước đây lợi nhuận từ việc cho thuê đất, nhà xưởng hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn là rất cao nhưng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cho thuê đất sử dụng không đúng mục đích chủ yếu là phạt tiền không đủ sức răn đe. Vì vậy, các chủ cho thuê đất vẫn cố tình cho các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê sơ bộ, Tp.HCM có hơn 10.000 cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch đô thị. Trong một động thái nhằm ngăn ngừa tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân trong các khu dân cư, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch di dời những cơ sở này từ nay đến năm 2020.
Hiện tại, thành phố còn nhiều cơ sở sản xuất nằm bên ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, vốn đầu tư ít, diện tích mặt bằng hạn chế, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng. Đặc biệt, vẫn còn các cơ sở sản xuất có công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu nằm đan xen trong khu dân cư hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư và gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát.
Leave a Reply